Nuôi tôm thâm canh công nghệ cao- Mở ra triển vọng mới cho nghề NTTS tại Hà Tĩnh
Nuôi tôm thâm canh công nghệ cao- Mở ra triển vọng mới cho nghề NTTS tại Hà Tĩnh
Nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nhằm quản lý, kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, dịch bệnh và nâng cao năng suất, sản lượng tôm. Từ kết quả đạt được qua những vụ nuôi trước, vụ tôm xuân Hè 2023, hình thức nuôi này đang được nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh đã mạnh dạn áp dụng triển khai thực hiện.
Vụ nuôi tôm xuân hè năm nay, gia đình ông Trương Quang Lệ xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để cải tạo mặt bằng, mua sắm các trang thiết bị thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh 3 giai đoạn ở vùng nuôi gần 2 ha. Ông Lệ chia sẽ: “sau nhiều năm nuôi tôm quảng canh cải tiến, bán thâm canh nhưng kết quả mang lại không cao, tôi cảm thấy cần phải chú trọng đầu tư hơn về công nghệ nhằm giảm thiểu dịch bệnh phát sinh, nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích. Năm nay, gia đình quyết định chuyển đổi sang nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn. Hiện nay, bể tròn để ương giống giai đoạn 1 đã hoàn thiện, còn 2 bể ương giai đoạn 2 với diện tích mỗi bể gần 200m2 đang được xây dựng. Các hệ thống ao nuôi được cải tạo, lắp đặt mái che để đảm bảo hạn chế ảnh hưởng của môi trường đến sự phát triển của tôm. Thời gian này, gia đình đang tập trung nhân lực gấp rút hoàn thiện phần công việc còn lại để thả giống kịp thời vụ”.
Bên cạnh đó, để quản lý tốt các yếu tố môi trường, ông Lệ đã dành hẳn 1 ao 0,5ha là ao trữ lắng và sẽ nuôi theo quy trình khép kín tuần hoàn, cụ thể nguồn nước nuôi tôm được thải ra sẽ được xử lý ở ao lắng, sau đó cấp trở lại vào ao nuôi. Theo ông Lệ, khi làm được vấn đề này sẽ hạn chế được dịch bệnh rất nhiều và nguồn nước sẽ luôn được chủ động để cung cấp cho cả quá trình nuôi tôm.
Ông Nguyễn Văn Mại đang vệ sinh bể để chuẩn bị thả ương tôm giai đoạn đầu trong bể tròn kịp thời vụ.
Thời điểm này, công tác cải tạo nâng cấp ao hồ tại vùng nuôi tôm xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà) đang được bà con khẩn trương thực hiện. Từ 2 năm nay, mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn, 3 giai đoạn áp dụng công nghệ cao đã được một số hộ dân tại đây áp dụng triển khai có hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Mại – Một hộ nuôi tôm lâu năm tại xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà) cho biết: “Năm vừa rồi, tôi đã áp dụng công nghệ nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn bằng cách xây 2 bể tròn để ương nuôi giai đoạn 1 và ao hình vuông nuôi giai đoạn 2, khi tôm đạt kích cỡ lớn hơn mới san nuôi thương phẩm. Nhận thấy cách làm này mang lại hiệu quả cao nên năm nay, tôi tiếp tục xây dựng thêm hệ thống bể vuông đáy nổi, có mái che bằng lưới với giá trị gần 1 tỷ đồng để phát triển nuôi tôm thâm canh công nghệ cao. Hệ thống này có thể giúp tôm nhanh lớn trong mùa nắng nóng nhờ nhiệt độ ở ngưỡng thuận lợi và giảm thiểu được tối đa rủi ro dịch bệnh khi thời tiết chuyển mùa, kỳ vọng đưa năng suất đạt khoảng 2 - 2,5 tấn/ao/vụ (tăng 20 - 30% so với trước đây).”.
Vụ Xuân Hè năm 2023 nhiều hộ nuôi tôm tại Hà Tĩnh mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thâm canh công nghệ cao
Mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh công nghệ cao, nuôi tôm 3 giai đoạn thuận lợi trong việc chăm sóc tôm, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường nước, không khí và nhiệt độ, các chỉ tiêu môi trường luôn duy trì ổn định, hợp lý, kết hợp với sử dụng chế phẩm vi sinh giúp tôm nuôi phát triển tốt, ít dịch bệnh. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại, hiện các địa phương đang có chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân đầu tư mở rộng diện tích.
Trao đổi với ông Hoàng Hải Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà được biết: Toàn xã hiện có 86,3ha nuôi tôm. Năm 2022, có 03 mô hình đã áp dụng quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn và đã mang lại thành công cho các hộ dân. Từ kế quả đó, năm 2023, UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động và có chính sách hỗ trợ mỗi mô hình 10 triệu đồng để khuyến khích nguời dân nâng cấp ao đầm, đầu tư công nghệ vào nuôi tôm. Đến nay, toàn xã đã có 7 mô hình với diện tích hơn 40 ha nuôi tôm thâm canh công nghệ cao.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy- Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản – Chi cục thủy sản Hà Tĩnh thông tin: “Vụ tôm xuân hè 2023, toàn tỉnh dự kiến sản xuất hơn 2.230 ha, trong đó có 629 ha nuôi thâm canh, công nghệ cao. Nếu trước kia, nuôi tôm thâm canh công nghệ cao chỉ áp dụng tại các vùng nuôi tôm trên cát thì năm nay, tại những vùng ao đất, các chủ ao đầm cũng đã mạnh dạn áp dụng triển khai như tại xã Mai Phụ, Hộ Độ (huyện Lộc Hà); xã Kỳ Hà, Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh). Tuy nhiên, đầu tư các mô hình này đòi hỏi nguồn vốn lớn và các yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao. Đây cũng là một trong những khó khăn, trở ngại khi riển khai mô hình nuôi tôm theo hình thức này”.
Mặc dù diện tích nuôi tôm công nghệ cao của Hà Tĩnh có tăng trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Hà Tĩnh. Minh chứng là diện tích nuôi tôm công nghệ cao mới chỉ đạt hơn 30% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Tuy nhiên, những thành công của các hộ nuôi tôm công nghệ cao này đang mở ra triển vọng mới, thúc đẩy nghề nuôi tôm phát triển hiệu quả, bền vững, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân. Vì thế, ngoài việc đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và tập huấn kỹ thuật, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần có chính sách hỗ trợ về vay vốn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư, giúp các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất và tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm để đảm bảo tính bền vững lâu dài.”.