Tác giả: Nguyễn Hoàn - 22/04/2023
A A
Hiệu quả đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng thủy sản
Hiệu quả đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng thủy sản
Đa dạng hóa trong nuôi trồng thủy sản với các đối tượng nuôi mới để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, đồng thời góp phần tái tạo hệ sinh thái; đây là cách mà Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện trong năm 2022 thông qua nhiều mô hình nuôi.
Hiệu quả những mô hình
Trước hết, phải kể đến mô hình nuôi cá chim vây vàng được triển khai tại hộ ông Nguyễn Chính Hữu, xã Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh. Gia đình ông Hữu có 2 ha nuôi trồng thủy sản nước lợ. Trước đây, diện tích này vốn chỉ nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú và cua bằng hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến nên chịu nhiều rủi ro do dịch bệnh hoặc biến động của thời tiết, dẫn tới hiệu quả không cao. Đầu năm 2022, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ nuôi luân canh thêm cá chim vây vàng, ông Hữu đã cải tạo 0,5 ha ao để thả nuôi 1 vạn con giống, với mật độ 2 con/m2. Tham gia thực hiện mô hình, cơ sở của ông được hỗ trợ 50% kinh phí mua cá giống, 25% kinh phí mua thức ăn và các vật tư nuôi trồng thủy sản khác. Quá trình nuôi cho thấy, cá chim vây vàng có khả năng thích nghi tốt với điều kiện ngoại cảnh và nhanh lớn, đồng thời có khả năng hỗ trợ làm sạch môi trường nước ở những hồ nuôi tôm thẻ trước đây. Dịch bệnh vùng nuôi được kiểm soát, không lây chéo ở các ao nuôi cho nhau. Sau hơn 4 tháng, cá đạt trọng lượng trung bình 0,4kg/con, tỷ lệ sống đạt 70%. Với cách nuôi này đã mang lại “lợi ích kép” vì giá trị kinh tế cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Kiểm tra sự phát triển cá bống bớp tại mô hình
Mô hình nuôi cá bống bớp trong ao đất được thực hiện với quy mô 0,5 ha tại xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh. Đây cũng là vùng nuôi mà anh Võ Xuân Dương đã từng nuôi tôm nhưng do nhiều năm môi trường bị ô nhiễm, việc nuôi tôm không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao như lúc đầu nên anh quyết định chuyển hướng sang nuôi một số loài cá có giá trị như: cá vược, cá hồng mỹ, cá hanh,... Cũng chính vì vậy, khi đưa cá bống bớp thả nuôi anh hết sức phấn khởi bởi loài cá này cho giá trị kinh tế khá cao. Trên diện tích ao nuôi 0,6 ha, mật độ thả 2 con/m2. Qúa trình nuôi, anh được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình kỹ thuật đầy đủ và áp dụng cách phân cở cá theo từng giai đoạn nên cá phát triển khá nhanh, kích cở đồng đều. Sau hơn 5 tháng thả nuôi, cá đạt kích cở 6 - 8 con/kg được thương lái tìm đến tận ao mua với giá 300.000 đồng/kg. Theo tính toán của anh dương, sản lượng sau khi thu hoạch đạt khoảng 1,3 tấn. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận ước đạt 120 triệu đồng.
Ngoài việc đưa các loại cá có giá trị kinh tế cao vào nuôi trên những diện tích nuôi tôm kém hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh còn triển khai mô hình nuôi cua thâm canh bằng con giống nhân tạo và cho cua ăn kết hợp giữa thức ăn công nghiệp và thức ăn cá tạp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Mặc dù, cua biển không còn là đối tượng nuôi mới, tuy nhiên, người dân thường nuôi theo hình thức quảng canh, con giống chủ yếu thu gom từ tự nhiên không đảm bảo số lượng, không đồng đều về kích cở kết hợp nguồn thức ăn là các loại cá nhỏ, moi biển,… không chủ động để cho cua ăn thường xuyên nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Mặt khác, dịch bệnh thường xảy ra, môi trường dễ bị ô nhiễm. Khi sử dụng con giống nhân tạo, cua đảm bảo về số lượng cũng như đồng đều để thả nuôi cùng một lúc. Bên cạnh đó, việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi cua thương phẩm là một trong những kỹ thuật mới đã được áp dụng nhằm tháo gỡ một số khó khăn mà trước kia người dân gặp phải về việc tìm kiếm nguồn thức ăn, cũng như quản lý chăm sóc. Sau 6 tháng, trọng lượng cua đạt bình quân 0,3kg/con, tỷ lệ sống 65%, dự kiến sản lượng đạt gần 2 tấn cua thương phẩm. Với giá bán bình quân 250 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mô hình sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.
Khả năng nhân rộng
Theo đánh giá, những mô hình được thực hiện đã khai thác tốt tiềm năng lợi thế, điều kiện tự nhiên, lao động của từng địa phương, đặc biệt đánh thức tiềm năng nuôi trồng thủy sản của tỉnh Hà Tĩnh. Đây là cơ sở để Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tiếp tục nhân rộng các mô hình, góp phần làm tăng sản lượng thủy sản, đáp ứng như cầu người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho người dân. Qua quá trình nuôi cho thấy, các đối tượng này khi nuôi không đòi hỏi đầu tư vốn quá lớn, kỹ thuật nuôi không quá khó. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, để tiếp tục nhân rộng các mô hình, đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị trong quá trình nuôi.
Việc đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng thủy sản đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng diện tích mặt nước, duy trì tính ổn định của vùng nuôi; hạn chế những rủi ro do dịch bệnh, do điều kiện tự nhiên, môi trường không thuận lợi. Đây là một hướng đi mới đầy triển vọng. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích và áp dụng các quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường hướng tới nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững./.

 

CÁC TIN KHÁC